Facebook và Google đang mắc kẹt trong một cuộc chiến tỷ đô nhằm định hình tương lai. Cả hai đang chi tiêu điên cuồng vào các công nghệ mới. Mục tiêu của họ không gì khác ngoài việc chuẩn bị cho “phương án B” khi mảng kinh doanh cốt lõi sụp đổ.
Đó
là lý do vì sao Facebook chấp nhận bỏ hàng tỷ USD vào một mạng chia sẻ
hình ảnh (Instagram), phần mềm nhận diện khuôn mặt, ứng dụng nhắn tin
(WhatsApp) cho tới công ty chuyên về công nghệ thực tế ảo (Oculus). Đối
trọng với Facebook là Google. Gã khổng lồ tìm kiếm Internet đầu tư cả
núi tiền vào xe hơi không người lái, thiết bị thông minh đeo trên người
(Google Glass, Android Wear), robot quân sự và gần đây nhất là việc thâu
tóm Nest, công ty sản xuất thiết bị gia dụng thông minh.
Có
thể ví bộ đôi Google-Facebook như những chiến binh trong cuộc “chiến
tranh lạnh” phiên bản thung lũng Silicon. Laura DiDio, chuyên gia phân
tích tại hãng tư vấn ITIC, nhận định: “Facebook và Google là hai vị thần
công nghệ đang mắc kẹt trong cuộc chơi độc quyền nhằm đoạt lấy tài sản
sáng giá nhất để duy trì và mở rộng sự thống trị lên đối thủ cũng như
những người chơi khác”.
Những
quyết định đầu tư đều có giá trị dài hạn. Chưa một món hàng nào giúp họ
mở rộng ngoài mảng kinh doanh cốt lõi. Cả Google, Facebook đều kiếm
khoảng 90% từ quảng cáo trong năm 2013. Mua Oculus, Facebook đặt cược
vào làn sóng công nghệ mới mà chủ lực là thiết bị dạng đeo. Google cũng
tương tự với kính Glass và nền tảng đồng hồ Android Wear.
Câu
hỏi lớn đặt ra là Facebook đã mua đúng món hàng mình cần hay chưa. Tại
cuộc họp với các nhà phân tích, Tổng Giám đốc Mark Zuckerberg khẳng định
anh tin rằng công nghệ thực tế ảo sẽ trở thành nền tảng giao tiếp của
tương lai. Tuy nhiên, Oculus không giống với phần lớn thiết bị dạng đeo,
nó hữu hiệu với game thủ song công dụng chưa được kiểm chứng trong
thường nhật. Chúng ta chưa thể hình dung ra giá trị của nó trong tương
lai như những sản phẩm của Google. “Oculus sở hữu nhiều ứng dụng thú vị
và ấn tượng. Song ngay lúc này, nó bị cô lập và giới hạn năng lực”, Ron
Gruia, chuyên gia của Frost & Sullivan, nhận xét.
Ngay
cả khi nó không thành công, ván bài này dường như không quá ảnh hưởng
đến Facebook khi thực tế, hãng chỉ chi 400 triệu USD tiền mặt cho
Oculus, phần còn lại là cổ phiếu. 400 triệu USD chỉ là tỉ lệ quá nhỏ so
với 11,5 tỷ USD Facebook đang có.
Tuy
nhiên, trong cuộc chiến tranh lạnh với Google, Facebook không thể mạo
hiểm. Google có 59 tỷ USD tiền mặt và từng thất bại với một số thương
vụ, điển hình là Motorola Mobility. Google mua lại công ty này với giá
12,5 tỷ USD năm 2011 nhưng sau đó “bán tống, bán tháo” nhiều tài sản,
gần nhất là bán lại mảng kinh doanh smartphone của Motorola cho
Lenovo với giá chỉ 3 tỷ USD.
Sứ
mệnh của Google cũng rộng hơn mục tiêu “kết nối mọi người” của
Facebook. Vì vậy, dù có thể làm vài vụ điên rồ như với Oculus, Facebook
không có được sự thoải mái như Google. Các nhà đầu tư thể hiện sự bất
đồng với quyết định đầu tư này khi giá cổ phiếu Facebook giảm thêm 3%.
Dù
vậy, hai công ty vẫn đáng được tôn trọng vì tự biết không thể ngủ quên
trên chiến thắng cũng như không có gì kéo dài mãi mãi. Nhiều doanh
nghiệp từng là ông lớn của làng công nghệ đều đã phải chạm đất khi không
theo kịp làn sóng công nghệ mới. Thực tế, trụ sở của cả hai đều đang
nằm trên đất của những “cựu thần”. Trụ sở Menlo Park của Facebook là nhà
cũ của Sun Microsystems trong khi Google lại sống trong thủ phủ cũ của
Silicon Graphics, công ty điện toán khổng lồ một thời đã phải nộp đơn
xin phá sản năm 2009.